- Một thời Thế Tôn trú ởSāketa, tại rừng Añjana, vườn Lộc Uyển.
- Rồi du sĩ Kuṇḍaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
- Ngồi một bên, du sĩ Kuṇḍaliya bạch Thế Tôn :
– Thưa Tôn-giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn-giả Gotama, như sau là sở hành của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivādappamokkhānisaṃ-sañceva) và lợi ích cật vấn (upārambhānisaṃsañca). Còn Tôn-giả Gotama sống có lợi ích gì?
– Này Kuṇḍaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vijjāvimuttiphalānisaṃso).
- – Nhưng thưa Tôn-giả Gotama,những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?
– Này Kuṇḍaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.
- – Nhưng thưa Tôn-giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?
– Này Kuṇḍaliya, Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.
- – Nhưng thưa Tôn-giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn?
– Này Kuṇḍaliya, ba thiện hành (sucaritāni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.
- – Nhưng thưa Tôn-giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?
– Này Kuṇḍaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.
Nhưng này Kuṇḍaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?
Ở đây, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý,
1) không có tham trước,
2) không có hoan hỷ,
3) không để tham dục khởi lên.
4) Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc không khả ý,
1) không có tuyệt vọng (maṅku),
2) tâm không có dao động,
3) ý không có chán nản (adīnamānaso),
4) tâm không có tức tối (abyāpannacetaso).
5) Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Lại nữa, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng khả ý,
1) không tham trước,
2) không có hoan hỷ,
3) không để tham dục khởi lên.
4) Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng không khả ý,
1) không có tuyệt vọng,
2) tâm không có dao động,
3) ý không có chán nản,
4) tâm không có tức tối.
5) Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Lại nữa, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi mũi ngửi hương khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi mũi ngửi hương không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Lại nữa, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi lưỡi nếm vị khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi lưỡi nếm vị không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Lại nữa, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi thân cảm xúc khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi thân cảm xúc không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Lại nữa, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý,không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.
- Này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo
1) khi mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát;
2) khi tai nghe tiếng, đối với tiếng khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát;
3) khi mũi ngửi hương, đối với hương khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát;
4) khi lưỡi nếm vị, đối với vị khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát;
5) khi thân cảm xúc, đối với xúc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát;
6) khi ý biết pháp, đối với pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát.
Này Kuṇḍaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.
- Và này Kuṇḍaliya,ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn?
Ở đây, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo
1) đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành;
2) đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành;
3) đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành.
Này Kuṇḍaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.
- Và này Kuṇḍaliya, Bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?
Ở đây, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo
1) sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời;
2) sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời;
3) sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời;
4) sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Này Kuṇḍaliya, Bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn.
- Và này Kuṇḍaliya,bảy giác chi được tu tậpnhư thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?
Ở đây, này Kuṇḍaliya, Tỷ-kheo
1) tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
2) tu tập trạch pháp giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
3) tu tập tinh tấn giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
4) tu tập hỷ giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
5) tu tập khinh an giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
6) tu tập định giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ;
7) tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.
Này Kuṇḍaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.
- Khi được nói vậy, du sĩ Kuṇḍaliya bạch Thế Tôn :
– Thật vi diệu thay, Tôn-giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn-giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn-giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn-giả Gotama, quy y Pháp, và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn-giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.