Kinh số 18 [tóm tắt] KINH MẬT HOÀN (MADHUPIṆḌIKA SUTTA)
Daṇḍapāni hỏi đức Phật đã thuyết những gì, đã nói những gì. Đức Phật trả lời, lời Ngài thuyết không đem lại một luận nào ở đời, và các tưởng không ám ảnh vị Bà-la-môn (đã đoạn lậu hoặc) sống không bị dục triền phược, với nghi ngờ đoạn diệt, với hối quá trừ diệt, không tham ái hữu và phi hữu. Câu trả lời này làm Daṇḍapāni lắc đầu bỏ đi. Và được các Tỷ-kheo yêu cầu, đức Phật giải thích thêm. Do nhân duyên gì, các lý luận vọng tưởng (papancasannna) ám ảnh một người, nếu không có gì đáng hoan hỷ, đón mừng, chấp thủ thời như vậy là sự đoạn tận bảy tùy miên (tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu ái, vô minh), sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiến, tranh luận, sự tiêu diệt các ác bất thiện pháp. Câu giải thích vắn tắt này chưa làm các Tỷ-kheo thỏa mãn, nên sau đó được Tôn giả Mahakaccāna giải thích thêm: Do nhân con mắt và sắc pháp, nhãn thức khởi lên; sự gặp gỡ của ba pháp là xúc; do xúc nên có cảm thọ, có tưởng, có suy tư, có hý luận, và do vậy có các hý luận vọng tưởng hiện hành đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức thuộc quá khứ, tương lai, hiện tại. Cũng vậy, đối với năm căn, năm trần còn lại. Có mắt, có sắc, có nhãn thức, thời có sự thi thiết của xúc; có thi thiết của xúc thời có thi thiết của thọ; có thi thiết của thọ thời có thi thiết của tưởng; có thi thiết của tưởng thời có thi thiết của suy tư; có thi thiết của suy tư thời có thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng. Cũng vậy, đối với năm căn, năm trần còn lại. Khi nào không có mắt, không có sắc, không có nhãn thức thời không có sự thi thiết của xúc… không có sự thi thiết của thọ… không có sự thi thiết của tưởng… không có sự thi thiết của suy tư… không có sự thi thiết của hý luận vọng tưởng ám ảnh.
Lời giải thích của Mahākaccāna là bậc đại tuệ, đã trả lời đúng đắn. Cuối cùng đức Phật đặt tên kinh này là Pháp Môn Bánh Mật, vì vị Tỷ-kheo tri thức, cứ mỗi lần suy tư đến pháp môn này được thưởng thức sự hoan hỷ, sự thoải mái tâm trí.
Kinh số 18 Mật hoàn [ Toát yếu]
- TOÁT YẾU
Madhupinkika Sutta – the honey ball.
The Buddha utters a deep but enigmatic statement about “the source through which perceptions and notions tinged by mental proliferation beset a man.” Thisstatement is elucidated by the venerable Mahākaccāna, whose explanation is praised by the Buddha.
Viên mật.
Phật thốt lên một lời phát biểu sâu sắc nhưng khó hiểu về “cái nguồn gốc từ đấy các nhận thức và quan niệm đầy thiên kiến ám ảnh một con người.” Lời phát biểu ấy được tôn giả Đại Cachiên-diên làm sáng tỏ, và sự giải thích của tôn giả được Phật khen ngợi.
- TÓM TẮT
Gậy cầm tay, một người dòng Sakka, đến hỏi Phật có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì. Phật dạy, Ngài giảng cái thuyết “không tranh luận với bất cứ ai, vì các tưởng (nhận thức) không còn ám ảnh vị bà-la-môn sống không có tham dục, hoài nghi, trạo hối, không có tham ái đối với hữu hay phi hữu.”
Khi nghe vậy, người kia không hiểu, tỏ vẻ bất mãn bỏ về. Các tỳ kheo xin Phật giải thích, Ngài dạy thêm: “Nếu một người không có thái độ hoan hỷ, đón mừng, chấp trước đối với những hý luận vọng tưởng, thì đấy là đoạn tận các tùy miên tham, sân, nghi, kiến, mạn, hữu tham, đoạn tận đấu tranh bằng lời, bằng gươm giáo; đoạn tận ly gián ngữ, vọng ngữ. Các bất thiện ấy được tiêu diệt không có dư tàn”.
Tôn giả Ca-chiên-diên triển khai lời dạy vắn tắt của Phật như sau:
Do xúc – sự gặp gỡ giữa căn, trần, thức – có thọ; do thọ có tưởng; do tưởng có suy tầm; do suy tầm có hý luận khởi lên. Nhân hý luận ấy, một số vọng tưởng ám ảnh con người. Nếu không có xúc thì không có thọ; không có thọ thì không tưởng; không tưởng thì không suy tầm; không suy tầm thì không hý luận vọng tưởng. Không hý luận vọng tưởng thì không có đấu tranh, và các ác bất thiện pháp [tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, hữu tham] được tiêu diệt không dư tàn.
III. CHÚ GIẢI
Gậy cầm tay Dandapāni, có tên như vậy vì ông ta thường cầm gậy bịt vàng đi khắp nơi với vẻ tự cao. Ông theo cánh của Đề bà đạt đa, người phá tăng. Câu hỏi của ông có vẻ khiêu khích, câu trả lời của Phật phần đầu là để đối lại thái độ khiêu khích ấy. Bà-la-môn nói trong câu này chỉ A-la-hán, hoặc chính bản thân Phật.
Hý luận vọng tưởng, papanca – sannā – sankhā, được dịch là “mental proliferation”, thiên kiến. Luận giải nguồn gốc của hý luận vọng tưởng là tham (đối với sắc pháp), mạn (“tôi là”) và kiến (chấp thường), qua đó tâm thức “trau chuốt” kinh nghiệm bằng cách giảng giải nó theo tiêu chuẩn “tôi” và “của tôi”.
Tóm lại, Kinh này cốt hiển thị vòng sinh tử là 12 xứ – sáu căn tiếp xúc sáu trần. Nếu căn trần đừng ráp lại, thì hết sinh tử.
- PHÁP SỐ
Năm pháp: Nguồn gốc hý luận vọng tưởng là Xúc (căn trần thức gặp gỡ), thọ, tưởng, tầm, hý luận.
Sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
Bảy tùy miên: tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu tham, vô minh.
Mười hai xứ: sáu căn và sáu trần.
Mười tám giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức.
- KỆ TỤNG
- Đoạn trừ tham, sân, nghi, trạo hối
Giáo lý của Phật dạy
Là không tranh với ai
Vị thánh đệ tử sống
Các tưởng không ám ảnh
Không bị dục trói buộc
Không nghi ngờ do dự
Mọi hối quá đoạn diệt
Không tham hữu, phi hữu.
- Không chấp trước
Với hý luận vọng tưởng
Không đón mừng, hoan hỷ
Đoạn được các tùy miên
Tham, sân, kiến, nghi, mạn
Đoạn tham ưa các cõi
Và vô minh tùy miên
Cùng các bất thiện khác
Tiêu diệt không dư tàn.
- Tôn giả Ca-chiên-diên khai diễn
Căn trần thức gặp gỡ
Sự gặp gỡ là xúc
Do xúc nên có thọ
Có thọ nên có tưởng
Tưởng đưa đến suy tầm
Suy tầm sinh “hý luận”
Hý luận sinh vọng tưởng
Ám ảnh tâm con người.
[Sinh tử vẫn dài dàiVì căn trần xúc đối
Hai thứ đừng xáp lại
Sẽ chấm dứt luân hồi.