Vài lời thưa của người góp nhặt
Tương truyền Đệ nhất tổ Thiền Tông ở Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu chuyến Đông Độ vào thế kỷ thứ Sáu. Theo Đạo Nguyên trong Bích Nham Lục, sau 9 năm diện bích, Ngài muốn trở lại Ấn Độ, Tổ triệu tập một số đệ tử thân tín để ‘thử’ tình độ tu chứng. Đối với câu trả lời của đệ tử thứ nhất Đạt Ma phê là ‘con đã đạt được ‘ lớp da’ của ta. Hai đệ tử khác được Đạt Ma phê là đã đạt được ‘xương và thịt’ của Thiền (Thiền Cốt và Thiền Nhục). Chỉ có đệ tử thứ tư im lặng không trả lời. Tổ mới khen là đã đạt được Tủy của Thiền. Tuy nhiên khi không truyền bá Thiền bằng con đường ‘bất lập văn tự’, không ai có thể đạt được ‘tủy’ của Thiền, nhiều nhất là đạt tới mức ‘Thiền Xương Thiền Thịt’ (Zen Bone and Zen Flesh). Tác phẩm này được Paul Reps và Nyogen Senzaki dịch ra tiếng Anh từ Zen Stories (London 1939) Gateless Gate (Vô Môn Quan) (LA,1934), Thập Ngưu Đồ (LA 1935), và một tác phẩm cổ viết bằng tiếng Phạn (Centering) có thể được sáng tác cả trước thời Đức Phật còn tại thế?!
Nyoen Senzaki, còn có tên khác là Thiền sư ‘Vô Trú’ được sư phụ ‘nhặt’ được từ một cánh đồng và nuôi dưỡng, cùng dịch tác phẩm Shaseki-Shu (Collection of Stone and Sand), xuất bản ở Nhật từ đầu thế kỷ 13 và các câu chuyện truyền kỳ của các Thiền Sư khác được in rãi rác vào đầu thế kỷ 20 (đạo hữu Đỗ Đình Đồng dịch là Góp Nhặt Cát Đá).
Tôi mạn phép xin đặt tên tác phẩm này là Góp Nhặt Những Viên Ngọc Quý Trong Vườn Chánh Niệm để ghi lại các chỉ dẫn chính yếu lẫn thực tiển về Chánh Niệm của các nhà khoa học não bộ về Chánh niệm như Jon Kabat Zinn, Mark Williams mà tôi có dịp nhắc tới trong 2 quyển Cơ Sở Khoa học của Thiền Chánh Niệm và Khoa học não bộ và Thiền Chánh Niệm. Để độc giả dễ theo dõi tôi xin xếp theo hạng mục vấn đề theo từng tác giả.
Đôi lời về Góp Nhặt Cát Đá và Dịch giả Đỗ Đình Đồng
Đỗ Đình Đồng là một dịch giả điêu luyện, bản dịch trung thực và tài hoa, tuy nhiên có một ‘khuyết điểm’ lớn là không chuyển âm được các (transliteration) tên tiếng Nhật (ví dụ Nan-In ngay trong chuyện đầu tiên; Gudo trong câu chuyện thứ hai) thành âm Hán Việt. Tôi nghe âm Hán như Triệu Châu, Lâm Tế ..quen và ‘êm tai’ và ‘quen thuộc’ hơn là Joshu hay Rinzai …Đã đến lúc cần hiệu đính chuyện này! Tôi có hân hạnh được quen biết với Thầy Nguyên Hồng (Hiện là cư sĩ LÝ KIM HOA?), nguyên là chủ bút sáng lập tờ Tư Tưởng của Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn (61-63) Trước khi đi du học và đậu tiến Sĩ ở Nhật, Thầy đã thọ giới TỲ KHEO tại Phật Học Viện Hải Đức (Nha Trang), tốt nghiệp Ban Việt Hán ĐHSP Sài Gòn. Thầy là một trong ít người có thể chuyển các tên Nhật trong tác phẩm ra âm Hán Việt. Nếu tình cờ Cư Sĩ LÝ KIM HOA đọc những dòng chữ này xin bỏ chút thời giờ để làm tăng giá trị của Góp Nhặt Cát Đá đến tầm mức xứng đáng.
Dịch Giả Đỗ Đình Đồng cũng còn dịch Ba Trụ Thiền của Philip Kapleau một cách tài tình, chứng tỏ trình độ Phật Học Cao Cấp, mong cư sĩ không phiền lòng về lời yêu cầu của một cư sĩ bảo thủ ‘thân văn hóa Trung Quốc’ như tôi. Nhiều người lợi dụng tình hình căng thẳng về quân sự và chính trị ở Biển Đông hiện nay, thừa nước đục thả câu để ‘bài’ Phật và Khổng. Bài hai tôn giáo này truyền thống chẳng khác nào ‘dẹp bàn thờ’ ông cha và tổ tiên của mình!
Trân trọng cám ơn Đạo Hữu Đỗ Đình Đồng, Cư Sĩ Lý Kim Hoa và toàn thể Độc giả
Những viên ngọc được trình bày dưới dạng những câu hỏi thông thường nhất Most Frequently Asked Questions (FAQs) từ các tác giả được tham khảo
1- Chánh NIệm là gì? Định Nghĩa Thực Hành
Jon Kabat Zinn (Mindfulness for Beginners, 1012, p17)
Chánh niệm là sự chú ý có mục đích theo dõi tất cả những trãi nghiệm trong Tâm ở khoảnh khắc hiện tại mà không phán đoán. Khả năng chú ý ai cũng có nhưng cần được tập luyện và vun xới. Chúng ta ‘biết’ thế giới bên trong và thế giới bên ngoài qua hệ thống cảm thọ (sensing mind) hay (thinking mind), hệ thống tư duy. Khi thực hành chánh niệm chúng ta dùng tâm cảm thọ (cảm giác, tình cảm) thay vì dùng ý niệm hay khái niệm để suy nghĩ.
Chánh niệm nằm trong Bát chánh đạo nhưng phản nghĩa của nó là Thất Niệm (mindlessness) không phải là Tà Niệm (evil thought). Lúc đầu chúng ta cần một đối tượng như hơi thở, cảm giác và tình cảm để theo dõi, quán chiếu, nhưng đối tượng không phải là điều quan trọng nhất trong chánh niệm mà là chú ý (awareness)
Các nhà khoa học não bộ gọi tên Tâm Cảm Thọ là Being Mode và tâm tư duy là Doing Mode
Mark Williams: (Mindfullness: Finding peace in a Frantic World, p5)
Chánh niệm là quan sát cảm giác, ý tưởng và tình cảm trong Tâm một cách bàng quan, không phê bình, không phán đoán
Bob Stahl: (Mindfulness – Based Stress Reduction Work Book)
Chánh niệm là quan sát chú ý các trãi nghiệm trong Tâm trong khoảnh khắc hiện tại mà không lọc qua lăng kính của phán đoán (P15)
Wolpola Rahula: (What the Buddha Taught? (p73)
Chánh niệm giản dị là sự quan sát, nhìn ngắm, xem xét. Quý vị không phải là quan tòa, mà là nhà khoa học
Matthieu Ricard: (The Art of Meditation, p 16)
Chánh niệm dịch ra tiếng Anh là Mindfulness Meditation, có nghĩa là vun xới hay duy trì chú ý để chúng ta làm quen trở lại với Tâm và Thân
Jack Kornfield (The Mindfulness Revolution, 2012, p7)
Chính niệm là sự chú ý, tiếp nhận trực tiếp mà không phán đoán. Tâm của chúng ta lúc nào cũng phán đoán và phân loại trãi niệm mà chúng ta thích hay không thích.
Joseph Goldstein. Here, Now, Aware (Mindfulness Revolution2012, p 21)
Chánh niệm là chìa khóa giúp chúng ta sống trong hiện tại. Không có chánh niệm chúng ta không thể nào có một cái nhìn chính xác mà luôn bị chìm đắm trong những dòng thác lũ của ý tưởng trong tâm thức.
Bob Stahl và Elisa Goldstein , (Meditation Based Stress Reduction Work Book, 1998, p 28)
Nói một cách giản dị, chánh niệm là thực hành chú ý những sinh hoạt hàng ngày mà không phán đoán
Điểm chung của các định nghĩa này là không can thiệp, không phán đoán của một người quan sát không có định kiến.
Định Nghĩa Tổng Quát
Chánh Niệm là một cuộc hành trình cả đời người, theo một con đường không dẫn tới đâu cả, chỉ giúp quý vị biết mình là ai (Jon Kabat Zinn 100 lessons in Mindfulness, 2009, Bài thứ nhất)
Chánh niệm được vun xới từ vị trí của một nhân chứng không thiên vị đối với những trãi nghiệm của chính mình (bài học thứ 21)
Chỉ ngồi Thiền, không cần làm thêm bất cứ chuyện gì khác (Bài thứ 44)
Trên đời chỉ có một chuyện chắc chắn xảy ra là biến đổi ( Bài thứ 74)
Đừng bao giờ cố gắng xua đuổi ý tưởng. Mà dành một chỗ trang tâm cho chúng, xem chúng là những ý tưởng, đến rồi đi, và cứ để yên cho chúng. (Bài thứ 81)
Chúng ta chỉ có khoảnh khắc này để sống trọn vẹn (Bài thứ 100)
Arriving at your Own Door (Zon Kabat Zinn)
Chánh niệm dù là con tim thực hành của Phật giáo, nhưng tinh yếu của Chánh Niệm là phổ quát, không phải chỉ dành cho Phật tử. Chánh niệm liên hệ với não bộ con người hơn là với ý hệ hay triết lý hay văn hóa. (Bài thứ bảy)
Cách hay nhất để lo lắng cho tương lai là săn sóc cho chúng ta ngay từ khoảnh khắc hiện tại (Bài thứ Tám)
Niệm Mantra trước khi thực tập chánh niệm: ”Không có gì khác để làm, không có chỗ nào khác để đi, không sống cuộc đời của ai. Công việc quan trọng nhất trong khoảnh khắc này là công việc đang làm.
Chánh niệm là sống trong tỉnh thức, tương phản với Chánh Niệm là Thất Niệm, ‘túy sinh mộng tử’. Sống như người say rượu trong cơn mộng du, hay nói theo một triết gia hiện sinh (Camus) sống như một người đã chết, (a walking dead man)
Khoảnh khắc hiện tại đến ngay tận cửa, quý vị không cần phải đâu xa để tìm, nhưng cẩn thận, coi chừng khoảnh khắc này lại trôi qua. Nhưng không sao, khoảnh khắc sau sắp tới, cẩn thận nếu không quý vị lại lỡ cơ hội một lần nữa.
Mỗi ngày Tâm Thân chúng ta ‘chết một ít’. Mỗi ngày Thân Tâm chúng ta tiếp tục sinh ra một ít
Nếu không có biến đổi vô thường sẽ không có trong gì đi hay đến (bất khứ bất lai)
Biên giới cuối cùng của vũ trụ không phải ở đâu xa, mà là Tâm của mình. Quý vị có sẵn sàng để thám hiểm chưa?
Giản dị chứng kiến thế giới bên trong và bên ngoài thay đổi trong từng khoảnh khắc!
Mục đích của những cuộc phiêu lưu mới không phải là tìm một không gian mới mà là khám phá thế giới bên trong và bên ngoài với một cái nhìn trinh nguyên (sơ tâm Thiền) Thấy mọi sự như là mới thấy chúng lần đầu.
Thiền Công Án và Thiền Chánh Niệm
Nhờ tác phẩm Zen Keys của Thầy Nhất Hạnh chúng ta biết nhiều về Thiền Công Án hơn là Thiền Chánh niệm, dù Kinh Tứ Niệm Xứ và Kinh Quán Niệm Hơi Thở được Thầy Minh Châu dịch trong Trường và Trung Bộ từ kinh điển Nikaya từ trước. Lý do nào Thầy Nhất Hạnh quay về dịch kinh Quán Niệm Hơi Thở và An Ban Thủ Ý thuộc truyền thống Nguyên Thủy chúng ta không rõ lắm. Nhưng dù vì lý do nào đi nữa, thì việc cổ động Kinh Quán Niệm Hơi Thở cũng khiến Thầy và Làng Mai trở nên được phổ thông ở Mỹ và các nước Âu Châu trong hai ba thập niên vừa qua.
Một lãnh tụ trong phong trào SVHSPT tranh đấu, Thầy Phụng Sơn, (AKA Bửu Hồ) sau 75 đã qua Nhật trực tiếp học Thiền Tào Động và đã được phép truyền dạy truyền thống này với danh hiệu Roshi. Một cư sĩ nhà báo Bắc Mỹ, Phan Tấn Hải (Nguyên Giác) cũng đã viết tác phẩm Thiền Đốn Ngộ rất phổ biến trong số những Phật Tử thích truyền thống Zen của Đại Thừa. Một cư sĩ khác, cư sĩ Hồng Quang, người chủ trương tạp chí Giao Điểm, gần đây ‘khám phá’ ra Thiền Sức Khỏe, đã trình bày kết quả đã được chứng nghiệm qua khoa học của Thiền Chánh Niệm Hơi Thở. Hàng năm cư sĩ HQ đi đi về về Việt Nam, cổ động việc thành lập các trung tâm Thực Tập Thiền Chánh Niệm tại Bệnh Viện, Đại Học, các Viện Phật Học… tại những cơ quan mà công nhân viên luôn làm việc trong các môi trường căng thẳng như nhà tù . Thượng Tọa Nhật Từ đã thực hiện các buổi Thiền Tập trong các nhà TÙ (một hình thức đem chùa tới Phật Tử thay vì chờ PT đến chùa. Hai quốc gia Mỹ và Ấn Độ đã thực hiện điều này. Theo Đạo Hữu HQ vẫn còn nhiều khó khăn tồn đọng, nhưng ý kiến thành lập các Trung Tâm thực tập các năm gần đây đã được đón nhận ân cần hơn.
Theo ý tôi gọi là Thiền Làng Mai, thiền Sức Khỏe, thiền Nguyên Thủy hay Thiền Quán Niệm Hơi Thở không có gì là quan trọng. Điều quan trọng là nếu chúng ta đào tạo được một số hoằng pháp viên huấn luyện các phương pháp thiền tập ở Việt Nam (phong trào MBSR đã trong 20 năm qua đã đào tạo được 8 Ngàn giáo thọ) chúng ta có thể tránh những ‘vô thượng sư’ bịp bợm truyền bá các loại Thiền ngoại đạo như Thiền Nước Lã, Thiền Quan Âm (sic) , Nhân Điện, Luân Xa (Thông Thiên Học!) ngay cả thiền Siêu Việt TM (Transcendental Meditation) của Bà La Môn vân vân…có thể làm Tẩu Hỏa Nhập Ma, gây nguy hại cho Thân Tâm cho người Thực Tập. Quan trọng hơn nữa, hai yếu tố khoa học và sức khỏe có thể tranh thủ các tín đồ trẻ có tinh thần khoa học và trình độ học vấn cao, trở về với đạo Phật. Những tín đồ trẻ này là những người Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa, quên là họ có viên ngọc quý trong tay áo, hiện hồ hỡi chạy theo những giáo điều của các tôn giáo độc thần đã bị các tín đồ trong khai sáng hiện đại đã vất vào sọt rác của lịch sử!
Chúng tôi xin trích dịch những ý kiến của một số các vị tôn túc và hành giả nhắc lại tính chất cốt tủy của Thiền Công Án, để quý vị thấy cái nhìn của các nhà khoa học về THIỀN CHÁNH NIỆM không có gì khác nhau.
Những ý kiến này được trích dịch từ Tác Phẩm Essential ZEN do hai học giả Kazuaki Tanahashi và Tensho David Schneider biên soạn và do nhà xuất bản HarperCollins xuất bản vào năm 1994 tại New York, USA.
Buổi thực tập Thiền đầu tiên với ‘sư phụ Soen Nakagawa tại thiền viện Mishima ở Nhật vào năm 1953. Do chính Philip Kapleau kể lại
“Sau nhiều tiếng đồng hồ chỉ được uống trà (trà đạo!) tôi được phép Sư Phụ cho ngồi thiền trong im lặng trước khi đặt câu hỏi. Cố gắng chịu đựng trong khi chân cẳng bị đau nhức trong nhiều tiếng đồng hồ, đến cuối buổi Thiền Tập, Nakagawa hỏi: “Bây giờ quý vị có thể hỏi bất cứ một câu nào”. Quá mệt vì ‘ngồi Thiền trong nhiều tiếng đồng hồ, không được ăn uống ngoài một chén cơm trắng và một ít rau cải, Kapleau và người bạn đồng hành la lớn: “Không có câu hỏi nào hết! Chúng tôi chỉ muốn ngủ! Soen Nakagawa nói: Ý kiến hay đó! Vì hai ông còn phải thức dậy lúc 3 giờ sáng nay, để tiếp tục ngồi Thiền!
Đó là buổi tập Thiền đầu tiên mà tôi không thể nào quên! (Philip Kapleau)
Một hành giả ở xa nghe tiếng đồn về cái cầu đá của Triệu Châu, ra mắt Thiền Sư và hỏi: “ Tôi nghe danh tiếng cái cầu đá mà sao chỉ thấy một thanh gỗ mục!”
Triệu Châu nhẹ nhàng: “Sư không thấy cái cầu đá ư!? Chỉ thấy một thanh gỗ mục ư! Người qua cầu, lừa qua cầu”
Một hành giả đến tham dự khóa tu học với Thiền Sư Richard Baker, nhưng lúc nào cũng đến trễ, Thiền Sư Shunryu Suzuki thấy thế chỉ nhẹ nhàng nói: “ Chắc hành giả có nhiều chuyện quan trọng cần làm lắm”. Từ đó về sau người này không bao giờ đến trễ nữa!
Những câu hỏi bóng bẩy như: “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sinh chúng ta ra đời là gì?” Đó là những câu hỏi liên hệ đến kiếp nhân sinh, ý nghĩa của đời người. Tại sao chúng ta không thể chọn lựa khi ra đời, và chắc chắn là một ngày nào đó chúng ta phải chết, phần lớn cũng không được chọn lựa. Giống như thái độ khẩn cấp của các THiền sư Lâm Tế khi hỏi: Nói mau, nói mau. Đây không phải là những câu hỏi thuộc lảnh vực trí thức, mà câu hỏi cốt tủy liên hệ đến ‘cõi người ta’. Chỉ một câu hỏi này (What is this?) Tổ Đạt Ma phải diện bích 9 năm mà vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Cũng thế mục đích Công Án không phải thử trình độ kiến thức. Khi một hành giả chần chừ, Tổ nói: “Nói mau, nói mau!! Để vuột mất rồi!!”
Thiền sư Seung Sahn dạy đệ tử về Thiền Chánh niệm; “Khi con ăn, chỉ ăn, khi đọc báo, chỉ đọc báo! Đừng làm bất cứ chuyện nào khác” Một ngày nọ để tử bắt ‘tại trận’ Thầy của mình vừa ăn vừa đọc báo. Đệ tử hỏi, Sao Thầy dạy con một đường, nhưng làm theo một nẽo!!
Seung Sahn trả lời: “Thầy dạy con khi ăn và đọc báo, chỉ ăn và đọc báo, không làm bất cứ chuyện nào khác”!!
Một nữ đệ tử dùng một hộp trang trí tượng Phật để ngồi Thiền, Sư phụ quở: “Con làm gì vậy? Sao ngồi trên hộp thờ tượng Phật, bất kính quá!? Nữ đệ tử trả lời: “xin Thầy chỉ cho con nơi nào KHÔNG CÓ PHẬT để con ngồi?” Đâu là câu trả lời của quý vị?
Không có cái gọi là Tâm Không! Chỉ có Tâm hiện tại.
Nhiều người thích ẩn dụ, “giáo pháp chỉ là cái bè qua sông”. Thực ra cái bè cũng là bờ bên kia. The Raft IS also the Shore (Robert Aitken)
Một thời gian nữa chúng ta ai cũng phải bước qua cánh cửa TỬ. Nếu nghĩ CHẾT là chấm dứt một đời người, đó không phải là CHÁNH KIẾN. Nếu nghĩ là Thân Tâm chúng ta không CHẾT cũng không phải là CHÁNH KIẾN. Nếu nghĩ là chỉ có THÂN là hoại diệt, còn tâm hay Thần Thức, Hương Linh …hay gì gì đó còn tồn tại, cũng không phải là CHÁNH KIẾN. Nên nhớ không có cái gọi là chỗ VĨNH HẰNG, kể cả Niết Bàn.
Phùng Phật Sát Phật phải được hiểu theo nghĩa là nếu chúng ta gặp PHẬT ở một nơi khác, PHẬT ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ PHẬT. Chính cái TÂM chúng ta phải LÀ TÂM PHẬT.
Quý vị là chủ THÂN TÂM của mình. Khi ông Chủ ngủ, tất cả mọi vật khác đều đi ngủ. Khi ông chủ làm đúng, thì tất cả đều làm đúng. Đây là ‘Bí Mật’ của Đạo Phật.
Ý niệm cái này CỦA TÔI là chướng ngại lớn nhất cho (CHÁNH KIẾN) giữa chúng ta và thế giới bên trong và bên ngoài. Sống trên đời thì BIẾT là chúng ta ĐANG SỐNG TRÊN ĐỜI. Giản dị quá phải không? Nhưng giản dị không có nghĩa là dễ. Cứ ngồi thực hành Chánh Niệm một hay Hai Ba phút quý vị sẽ thấy ngay!
Đọc thêm:
Dạo Bước Vườn Thiền (333 Câu Chuyện Thiền) Tức Góp Nhặt Cát Đá – Hiệu Đính Và Bổ Sung
Khoa học não bộ và thiền chánh niệm (sách) Quán Như Phạm Văn Minh
Cơ Sở Khoa Học Của Thiền Chánh Niệm (sách) (Quán Như Phạm Văn Minh)
Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ (sách) Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Chánh Niệm Là Gì (Jon Kabat-Zinn Dịch giả: Nguyễn duy Nhiên)